Thứ năm , ngày 26/12/2024 17:33:39
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI XVI CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI XIII CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM NHIỆM KỲ 2023 - 2028
GÓC TRUYỀN THỐNG
Cập nhật : 10:51 31/12/2019         Lượt xem : 152620
Kỷ niệm 140 năm trường THPT Lê Quý Đôn

Các nhà lãnh đạo, các thầy cô giáo, cựu học sinh và học sinh trường đã dự lễ kỷ niệm 140 năm ngày thành lập trường THPT Lê Quý Đôn (TP.HCM), hôm 10-2.

Ông Lê Thanh Hải ( bí thư Thành Ủy TPHCM) chúc mừng học sinh trường THPT Lê Quý Đôn Q3, TPHCM sáng 10-2-2015 - Ảnh: Như Hùng

Lịch sử của trường được tái hiện bằng những tiết mục biểu diễn của các em học sinh trên sân khấu, qua hội trại truyền thống, qua những cuộc giao lưu giữa các thế hệ học sinh, giáo viên. 

Câu chuyện về phong trào yêu nước của học sinh Chasseloup Laubat mà cô Bình Minh, cựu học sinh năm 1946-1950, mang đến với những chi tiết tường tận từ gốc cây đến góc cầu thang vẫn còn nguyên vẹn hôm nay khiến hàng ngàn học sinh, giáo viên vừa ngạc nhiên vừa cảm động.

“Và không chỉ có truyền thống sâu dày, từ 10 năm nay, trường PTTH Lê Quí Đôn còn đi đầu trong việc xây dựng mô hình tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế. Thành quả không chỉ là tỉ lệ tốt nghiệp, đậu đại học mà chú trọng vào phẩm chất, năng lực công dân…”, Bí thư thành ủy TP.HCM Lê Thanh Hải nhận định trong buổi lễ.

Nghi thức rước đuốc truyền thống của trường THPT Lê Quý Đôn trong lễ kỷ niệm 140 năm thành lập trường - Ảnh: Như Hùng

“Phi trí bất hưng” (không có trí thì không có sự hưng thịnh), câu đúc kết cô đọng, hàm súc của nhà bác học Lê Quí Đôn từ thế kỷ 18, hôm nay được lặp đi lặp lại, vang vọng từ đầu đến cuối buổi lễ kỷ niệm 140 năm ngày thành lập trường trung học Lê Quí Đôn diễn ra sáng 10-2-2015 tại sân trường.

Là trường trung học đầu tiên của Sài Gòn, của miền Nam được thành lập năm 1874, trường Collège Chasseloup - Laubat còn có tên là Bổn quốc Sài Gòn. Năm 1954, trường được đổi tên thành Jean Jacques Rousseau, và đến 1970 được trao trả cho người Việt và được mang tên nhà bác học Lê Quí Đôn.

Suốt nhiều năm dài là một trường Tây nhằm mục đích đào tạo các viên chức phục vụ cho bộ máy thuộc địa, nhưng rất nhiều người trong các thế hệ học sinh của trường lại trở thành những trí thức yêu nước, hoạt động cách mạng nổi tiếng.

Trong đó có nhân sĩ yêu nước Nguyễn An Ninh, Phan Văn Chương, các nhà cách mạng Trần Văn Giàu, Cao Triều Phát, Trần Đại Nghĩa, bác sĩ Nguyễn Văn Hưởng, liệt sĩ Đỗ Ngọc Thạnh, ba chị em trí thức cách mạng Nguyễn Bình Minh - Bình Thanh - Bình Trang… 

Những nhà văn hóa, khoa học nổi tiếng: học giả Vương Hồng Sển, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, giáo sư Trịnh Xuân Thuận, tiến sĩ Hồ Thiệu Hùng…

Bí thư Thành Ủy TPHCM Lê Thanh Hải đang dâng hương trước tượng đài nhà bác học Lê Quý Đôn - Ảnh: Như Hùng

Sau nén tâm nhang thắp lên trước bức tượng của nhà bác học Lê Quí Đôn, các thầy cô giáo, các cựu học sinh lại tiếp tục nhắc lại với các thế hệ sau mình qui luật của sự hưng thịnh quốc gia mà ông đã truyền lại: “Phi trí bất hưng”.

Theo tuoitre.vn