Thứ hai , ngày 25/11/2024 19:51:34
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI XVI CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI XIII CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM NHIỆM KỲ 2023 - 2028
Chuyên môn - Nghiệp vụ » Tổ Ngữ Văn
Cập nhật : 21:17 27/11/2016         Lượt xem : 6598
Tiếng vọng non sông

TIẾNG VỌNG NON SÔNG – DÀN HỢP CA ĐÁP LỜI SÔNG NÚI


Chương trình ngoại khóa tổ Ngữ văn trường THPT Lê Quý Đôn năm nay được khoác thêm tấm áo muôn màu của ngàn năm văn hiến đất nước. Học sinh ba khối có cơ hội biểu diễn một đoạn trích trong chương trình học bằng hình thức sân khấu hóa.

 

Những năm trước, học sinh đã được làm quen với cách học tập và tìm hiểu bài bằng kịch bản sân khấu. Năm nay, các thầy cô tổ Ngữ văn đã “trao quyền” “bầu sô” cho học sinh. Các em được tham gia toàn bộ các hoạt động để hoàn thành một tiểu phẩm, từ khâu thảo luận chọn đề tài, ý tưởng đến việc viết kịch bản chi tiết, phân công các nhóm phụ trách đạo cụ, âm thanh, hóa trang, kỹ thuật, thiết kế poster… và kiêm luôn diễn viên.

 

   

Sau hai ngày thi vòng loại của 44 lớp, 7 giám khảo đã chọn được 9 tiết mục xuất sắc nhất. Thật thú vị khi 9 tiết mục này tương ứng với toàn bộ tiến trình phát triển của văn học Việt Nam, từ buổi trong lành của văn học dân gian đến thời kỳ thống khổ nửa cuối giai đoạn phong kiến, đến những khúc hùng ca kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ. Tên gọi Tiếng vọng non sông bắt đầu ra đời, ngày thi chung kết trở thành buổi Liên hoan sân khấu Tiếng vọng non sông – một “gánh hát” với hơn 200 diễn viên và đội ngũ hậu cần hùng hậu “xưa nay chưa từng có”.

Đến dự Liên hoan sân khấu, ngoài 9 tập thể có tiết mục biểu diễn là hơn 50 giáo viên từ khắp các trường THPT trong thành phố và các tỉnh lân cận, hơn 30 phụ huynh học sinh và nhiều đơn vị truyền thông. Tiếng vọng non sông đã đưa khán giả qua 4 chương khúc:

 

Chương I: GIẤC MỘNG LÀNH, gồm những giấc mơ đẹp của nhân dân trong văn học dân gian, từ ước vọng ở hiền gặp lành, cuộc đời hạnh phúc, đến khát khao công bằng xã hội…

Chương II: BÓNG ĐÊM PHẬN NGƯỜI, giở lại những ngày thống khổ của nhân dân trong giai đoạn loạn lạc nửa cuối thời phong kiến, từ tiếng khóc tủi hờn của kiếp hồng nhan đến tiếng khóc than chạy giặc, tiếng đớn đau văn tế…

Chương III: LẦM LẠC, thâu tóm một thời kì văn đàn dậy sóng. Đó là bước chân cô độc của những thi sĩ thoát ly, bước chân lạc lõng của xã hội nông dân lẫn những kẻ học đòi phương Tây…

Chương IV:ĐẤT NƯỚC ĐỨNG LÊN, khắc họa hình tượng con người Việt Nam, thanh niên Việt Nam trong hai cuộc kháng chiến: những người lính học sinh Hà Nội hào hoa chống Pháp, những chiến binh đại ngàn Tây Nguyên chống Mỹ… Những con người đã rũ bùn đứng dậy sáng lòa!

 

Rồi thoắt chốc, người xem được tập thể 10D1 dẫn dắt sang thế giới cổ tích của Tấm Cám qua tiết mục Sự trở lại của Vàng Anh, nhưng đó lại là một thế giới hoàn toàn mới lạ qua cách nhìn, cách nghĩ của các em. Kịch bản tục biên phần kết Tấm Cám đã trả lại cho cô Tấm nét dịu dàng hồn hậu vốn có, còn phép nước tuy nghiêm nhưng vẫn mở ra con đường sống cho những ai biết tu tâm dưỡng tính.

Đăm Săn, Tấm Cám qua bàn tay đạo diễn của học sinh lại vô cùng sáng tạo nhưng vẫn giữ được vẹn nguyên giấc mộng lành của nhân dân ta xưa: luôn mơ ước một đời sống công bằng, êm ấm, tốt đẹp.

Thân phận người phụ nữ trong xã hội phong kiến là một đề tài quen thuộc trong chương trình lớp 10, 11. Lớp 11D2 đã có màn biểu diễn đầy cảm động khi gắn kết tất cả những tác phẩm về người phụ nữ thời phong kiến trong chương trình vào một kịch bản hoàn chỉnh. Người xem được Nguyễn Du dẫn vào giấc mộng, gặp gỡ Tiểu Thanh trong khung cảnh khói sương huyền ảo, rồi sau đó là cuộc trò chuyện giữa Nguyễn tiên sinh và bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương xoay quanh thân phận hồng nhan giữa “thuở trời đất nổi cơn gió bụi”.

 

Trong chương Lầm lạc, người xem tiếp tục mơ màng, lắng đọng cùng những thi nhân bơ vơ lạc loài những năm 1930 trong tiết mục Tinh cầu giá lạnh của lớp 11D3. Giọng ngâm thơ trữ tình cùng hình ảnh những chàng trai, cô gái, bến nước, con đò, dòng sông… đã tái hiện thành công “chất thơ” của chặng đường Thơ Mới. Ngay sau đó, khán giả lại “cười ra nước mắt” với Hạnh phúc của một tang gia của lớp 11N. Xã hội “học đòi một cách vô học” trên trang sách giáo khoa bỗng chốc sống động đầy hấp dẫn với ông Phán mọc sừng, cô Tuyết lãng mạn, cụ cố Hồng ho khạc khóc mếu, vợ chồng Văn Minh trong “kế hoạch làm sang”, cậu Tú Tân khoe mẽ kệch cỡm…

Lớp 11A7 chọn tác phẩm kinh điển Chí Phèo để xây dựng nên kịch bản Lạc dòng đầy ấn tượng. Thị Nở quá duyên dáng, Chí Phèo đầy nội tâm, bà cô Thị Nở chua ngoa cay nghiệt, cha con Bá Kiến hách dịch, bà Ba lẳng lơ… có ai ngờ những vai diễn “nặng ký” ấy lại do những em học sinh 16, 17 tuổi dàn dựng và biểu diễn từ đầu đến cuối!

   

Hai tiết mục cuối cùng của các học sinh lớp 12 đã lấy không ít nước mắt của khán giả. Nhạc kịch Tây Tiến của 12D2 kể lại câu chuyện của Quang Dũng trong hành trình bảo vệ biên giới Việt Lào, chiến đấu không chỉ với bom đạn khốc liệt mà còn với rừng thiêng nước độc. Khi căn bệnh sốt rét kinh hoàng cướp đi tính mạng một chiến sĩ, khi quốc kỳ phủ kín tấm thân người anh hùng “gục lên súng mũ bỏ quên đời”, không ít thầy cô và phụ huynh đã lau nước mắt xúc động. Rồi đến những chiến binh đại ngàn Tây Nguyên trong tiết mục Đại ngàn tỉnh giấc của 12D1, chuyển thể từ tác phẩm Rừng xà nu của nhà văn Nguyễn Trung Thành. Trong vòng 6 phút, cuộc đời Tnú được tái hiện trọn vẹn từ mối tình thanh mai trúc mã với Mai đến giây phút bi tráng dữ dội: Tnú bị giặc đốt tay. Học sinh đã táo bạo vận dụng kiến thức Hóa học để ngọn lửa thật cháy bùng trên tay Tnú, khiến mấy trăm khán giả nín thở dõi theo. 

 

Và giây phút thiêng liêng vỡ òa trong lời kêu gọi vang động của cụ Mết: “Đốt lửa lên! Năm trăm cây chông, đốt lửa lên!” Giây phút ấy, không chỉ khán giả xúc động mà cả những học sinh đóng vai cây xà nu, vai dân làng… cũng bật khóc vì cảm xúc dâng trào.

Kết thúc Liên hoan sân khấu là phần trao giải. Ban giám khảo gồm đại diện tổ Ngữ văn trường THPT Lê Quý Đôn còn có cô Đoàn Thị Hải Lý – tổ trưởng chuyên môn trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa và đạo diễn Dương Trần Quốc Dũng. Ngoài các cúp vàng , bạc, đồng và triển vọng, chương trình còn trao cúp cho các nam và nữ diễn viên xuất sắc

   

Hàng loạt phiếu cảm nhận về chương trình đều chung một mạch cảm xúc: chương trình hoành tráng, chất lượng chuyên môn cao, học sinh được học Văn theo hình thức sáng tạo, độc đáo, có cơ hội làm việc nhóm và thể hiện hết những tài năng của bản thân. Chính phụ huynh học sinh là những “khán giả” xúc động nhất, bất ngờ nhất khi thấy tên và hình ảnh con mình trên poster, trên sân khấu… Riêng các em học sinh, “tiếng vọng” từ chương trình này sẽ là một kỷ niệm khó phai trong cuộc đời. Nỗi niềm của những nhân vật văn học, thông điệp của nhà văn… sẽ khắc sâu vào tâm hồn, vào trí nhớ của các em. Đó mới chính là cách học hiệu quả nhất, như lời một khách mời danh dự của chương trình: “Hai tiết học hóa thân như thế này có giá trị bằng mười tiết học truyền thống, và hơn thế nữa”.

   

Ngay sau chương trình, tổ Ngữ văn trường THPT Lê Quý Đôn đã nhanh chóng biên soạn tập san Tiếng vọng non sông, ghi lại quá trình thực hiện chương trình, gồm 9 kịch bản hoàn chỉnh kèm poster, hình ảnh, và lời cảm nhận của các khách mời, của học sinh tham dự chương trình. Rất nhiều lời đề nghị “gánh hát” Tiếng vọng non sông hãy sáng đèn thêm nhiều suất diễn nữa, để toàn thể học sinh và phụ huynh có thêm cơ hội đắm chìm vào không gian đẫm chất nhân văn, lắng nghe lời sông núi mà thêm yêu đất nước quê hương mình.

Lê Ngọc Hân – GV tổ Ngữ văn