Một số văn bản văn học trong chương trình Ngữ văn trung học phổ thông gây ấn tượng mạnh ở góc độ hội họa. Tác giả khắc họa hình ảnh bằng nhiều thủ pháp của một họa sĩ và độc giả trở thành những “khách xem tranh”, nương theo từng câu chữ để từng bước ngắm nghía toàn cảnh một bức tranh đẹp.
Một trong những cách giúp học sinh đọc kỹ văn bản, ghi nhớ sự kiện, chi tiết tiêu biểu là để các em tự đọc bài và thể hiện những điều mình cảm nhận được trong văn bản qua một bức tranh tự vẽ. Không cần đến năng khiếu mỹ thuật hay trình độ hội họa chuyên nghiệp, học sinh vẫn có thể đưa vào bức tranh của mình đầy đủ những sắc màu, bố cục, hình ảnh… và thậm chí cả tâm trạng và thông điệp mà tác giả văn bản gửi gắm.
Lớp 10, các em có thể cảm thụ văn bản bằng hình thức vẽ tranh qua các bài đọc-hiểu cụ thể như: Thuật hoài (Tỏ lòng) của Phạm Ngũ Lão - vẽ để cảm nhận hình tượng hào hùng, oai phong của con người và quân đội thời Trần, Cảnh ngày hè -của Nguyễn Trãi vẽ để thể hiện hết những sắc màu đối lập rực rỡ ủa buổi chiều hè qua lăng kính của một “ông già” sống cách đây hơn nửa thế kỷ…
Lớp 10D1 đọc văn bản và vẽ theo cảm nhận về bài Cảnh ngày hè
Lớp 11 có Tràng giang của Huy Cận - vẽ để cảm nhận sự cô liêu rợn ngợp của những tạo vật nhỏ bé trước không gian mênh mông, Đây thôn Vĩ Dạ của Hàn Mặc Tử - vẽ để cảm nhận khung cảnh biến ảo và mạch cảm xúc đứt nối của nhà thơ, Hai đứa trẻ của Thạch Lam và Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân - vẽ để cảm nhận sâu sắc hơn sự đối lập giữa ánh sáng và bóng tối…
Lớp 12 có Tây Tiến của Quang Dũng và Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân - vẽ để cảm nhận đất trời Tây Bắc hoang sơ, hùng vĩ, dữ dội nhưng cũng vô cùng lãng mạn, trữ tình, Việt Bắc của Tố Hữu - vẽ để thâu tóm hết vẻ đẹp của bức tranh thiên nhiên đậm bản sắc, nặng nghĩa tình dân tộc, hay Ai đã đặt tên cho dòng sông?của Hoàng Phủ Ngọc Tường - nếu không vẽ ra cả một “bản đồ” xứ Huế thì khó có thể hiểu được vẻ đẹp tâm hồn của dòng nước sông Hương…
Lớp 12AD2 đọc văn bản và vẽ cảnh Sông Đà, mỗi nhóm thể hiện một vẻ đẹp riêng của dòng sông
90 câu thơ Việt Bắc được học sinh cả lớp 12D1 (NH 2013-2014) thể hiện trên bảng sau 30 phút đọc văn bản
Lê Ngọc Hân – GV tổ Ngữ văn