Sáng 19/11, giữa không khí rộn ràng của lễ tri ân nhà giáo, phòng học dưới tầng trệt trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TP HCM) trở thành phòng khám nhỏ.
Hơn 100 thầy cô, những người đã nghỉ hưu hoặc đang làm việc tại trường được khám bệnh, tư vấn sức khỏe và bốc thuốc miễn phí. Bác sĩ, dược sĩ của "phòng khám" là cựu học sinh của trường 20-30 năm trước.
|
Bà Nguyễn Thị Hồng (phải) được học trò cũ tư vấn cách phòng bệnh đau khớp. Ảnh: Mạnh Tùng
|
Nghỉ hưu gần chục năm, bà giáo Nguyễn Thị Hồng vẫn thường lui tới trường cũ mỗi khi có dịp lễ. Hôm nay, sau khi dự họp mặt nhà giáo hưu trí của trường, bà được học trò đón vào phòng khám bệnh.
"Có tuổi rồi nên nhiều bệnh, nào là viêm nha chu, bướu cổ, thấp khớp", bà Hồng kể và tỏ ra vui mừng khi những bác sĩ đều là học trò bà từng dạy.
"Bác sĩ Thúy Nga là hồi đó tôi chủ nhiệm, cũng khoảng hơn 20 năm trước rồi. Thỉnh thoảng cô trò có gặp nhau mỗi khi có dịp lễ ở trường nhưng hôm nay mới được học trò mình khám bệnh, xúc động lắm", bà Hồng nói. Trong ký ức bà giáo dạy môn Vật lý, nữ sinh Thúy Nga là cô học trò nhỏ xinh và rất thông minh.
Đồng nghiệp của bà Hồng, ông Nguyễn Thắng Cảnh (68 tuổi, giáo viên Địa lý), đã nghỉ hưu nhiều năm, bị đau răng. Sẵn tiện về trường họp mặt nhân ngày 20/11, thầy Cảnh được bác sĩ nha khoa Phạm Hoài Thanh khám bệnh.
Thầy Cảnh được chuẩn đoán bị viêm nướu nên gây đau và nhức răng. Ông giáo được học trò cũ kê đơn thuốc và ân cần dặn dò cách phòng bệnh.
"Được gặp lại những học trò của mình đã bất ngờ, bất ngờ hơn nữa là các em còn khám bệnh cho thầy cô. Em nào cũng nhớ và nhận ra thầy, không gì vui bằng", ông giáo thổ lộ.
|
Bác sĩ Phạm Hoài Thanh khám bệnh cho thầy giáo Nguyễn Thắng Cảnh. Ảnh: Mạnh Tùng
|
Trong đoàn bác sĩ là cựu học sinh THPT Lê Quý Đôn, ông Phạm Hoài Thanh (44 tuổi) được khá nhiều bạn bè quan tâm thăm hỏi đã xa quê khá lâu. Tốt nghiệp THPT năm 1990, ông sang Mỹ theo học ngành nha khoa. Sau đó, ông định cư tại đây và mở một phòng khám tư. Nhiều lần về Việt Nam thăm gia đình nhưng lần nào cũng vội vã nên bác sĩ Thanh chưa có dịp về thăm trường cũ.
"26 năm rồi mới lại bước chân vào cổng trường. Trường không thay đổi nhiều nhưng mái đầu của thầy cô đã bạc trắng. Lúc đó cảm thấy có điều gì rất thiêng liêng và mình thấy nhỏ bé như thời còn đi học", bác sĩ Thanh giọng xúc động.
Thế hệ đàn anh của bác sĩ Thanh, cựu học sinh những năm đầu thập niên 80 cũng tề tựu khá đông về trường để gặp mặt thầy cô giáo cũ.
|
Thầy trò trường THPT Lê Quý Đôn trong buổi lễ kỷ niệm ngày Nhà giáo Việt Nam. Ảnh: Mạnh Tùng
|
Dược sĩ Ngô Thiên Tùng, người đưa ra ý tưởng khám bệnh cho thầy cô nhân dịp 20/11 cho biết, những cựu học sinh trường Lê Quý Đôn đang làm ngành y khá gắn kết, thân thiết.
Lời đề nghị của ông Tùng được anh em ủng hộ và lên kế hoạch chuẩn bị chu đáo nhân lực, thuốc để phục vụ thầy cô. Nhóm có đủ bác sĩ để khám các bệnh thông thường mà người già hay mắc phải, như răng - hàm - mặt, tim mạch, lao, khớp, tai - mũi - họng.
Dược sĩ Tùng kể, trường Lê Quý Đôn là một phần ký ức trong cuộc đời của ông. Nhà kế bên trường, học ở đây từ tiểu học lên cấp ba và gần như năm nào ông cũng về thăm thầy cô cũ.
Ông Tùng hứa sẽ duy trì tổ chức hoạt động này vào ngày Nhà giáo ở các năm tiếp theo. "Thầy cô có tuổi rồi nên cần được khám bệnh và theo dõi định kỳ. Anh em chúng tôi chỉ mong việc làm nhỏ bé này là một lời biết ơn chân thành nhất của học trò dành cho những người thầy đáng kính", ông chia sẻ.
Theo VnExpress