Mới đây, trong số các dự án lọt vào vòng chung kết cuộc thi khoa học kỹ thuật cho học sinh trung học TPHCM, có 2 dự án cùng đề tài thiết kế phần mềm hướng nghiệp. Điều này cho thấy đang có sự chuyển biến tích cực trong mối quan tâm của học sinh đến việc lựa chọn nghề nghiệp của chính các em.
|
Đỗ Bảo Phúc (trái) và Nguyễn Lê Minh Thiện (học sinh Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong), tác giả phần mềm hướng nghiệp bằng trí tuệ nhân tạo - Ảnh: P.T. |
Khi học sinh trăn trở với chuyện hướng nghiệp
Dự án phần mềm tư vấn hướng nghiệp cho học sinh của Trần Võ Đại Khánh và Nguyễn Lương Minh Trí - học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) gây nhiều ấn tượng tại vòng chung kết cuộc thi. Trần Võ Đại Khánh chia sẻ, hiện nay nhiều học sinh lớp Mười hai vẫn còn rất mơ hồ về định hướng nghề nghiệp, như bản thân em cũng có lúc băn khoăn khi đứng trước việc lựa chọn ngành nghề.
Theo tìm hiểu của em, đa phần học sinh hay lựa chọn nghề theo ý cha mẹ hoặc lời rủ rê của bạn bè mà chưa thực sự ý thức về sở thích, khả năng của bản thân cũng như hiểu rõ về công việc mình lựa chọn. Em cũng đọc con số khảo sát có đến 60% sinh viên chọn sai ngành học, 75% sinh viên thiếu hiểu biết về ngành nghề đã lựa chọn. Do đó, Khánh rất trăn trở với việc tìm tòi một công cụ hữu ích cho các bạn đồng trang lứa tham khảo, hiểu rõ hơn về thế mạnh của bản thân khi chọn nghề.
Theo Khánh, những phần mềm hướng nghiệp hiện nay đa phần dựa trên bảng khảo sát sở thích, tính cách để gợi ý ngành nghề mà không có dữ liệu về điểm số của học sinh. Điều này có thể đưa ra những gợi ý không chính xác vì việc lựa chọn nghề nghiệp không chỉ đơn thuần dựa trên sở thích mà còn phải căn cứ vào năng lực, khả năng học tập. Do đó, phần mềm của em được viết trên cơ sở phân tích nhiều nguồn dữ liệu, trong đó có giao diện để nhập điểm học phổ thông, bảng phân tích tính cách, nhận xét của giáo viên chủ nhiệm.
Từ đây, phần mềm sẽ giúp người dùng lựa chọn nhóm ngành nghề phù hợp nhất trong 6 nhóm (nghiệp vụ, kỹ thuật, nghiên cứu, nghệ thuật, xã hội và quản lý). Các nhóm ngành này được phân chia theo lý thuyết mật mã Holland của nhà tâm lý học John Holland (người Mỹ). “Phần mềm này có thể hướng nghiệp chính xác hơn khi đánh giá được cả tính cách, sở thích, năng lực. Chúng em đã tiến hành khảo sát đối với các anh chị lớp Mười hai năm học 2021-2022 của nhà trường thì kết quả là hơn 80% đánh giá việc sử dụng phần mềm cho ra lựa chọn ngành nghề đúng như mong muốn” - Khánh nói.
Trong khi đó, phần mềm tư vấn hướng nghiệp bằng trí tuệ nhân tạo (AI) của Nguyễn Lê Minh Thiện và Đỗ Bảo Phúc - học sinh lớp Mười hai chuyên tin Trường THPT chuyên Lê Hồng Phong (quận 5) - cũng thể hiện ưu thế so với những phần mềm hướng nghiệp hiện hữu. Nguyễn Lê Minh Thiện cho hay, phần mềm hỗ trợ học sinh lựa chọn ngành nghề phù hợp, trên cơ sở phân tích tính cách cá nhân qua hệ thống 60 câu hỏi trắc nghiệm, với 7 mức độ lựa chọn.
Theo tìm hiểu của nhóm tác giả, hiện có nhiều trang web hỗ trợ tư vấn ngành nghề dựa trên tính cách cá nhân, tuy nhiên đa số là tiếng Anh. Bên cạnh đó, hầu hết các phần mềm này đều chia người dùng theo 6 nhóm tính cách tương ứng 6 nhóm nghề nghiệp. Cho rằng 6 nhóm nghề nghiệp thì chưa thực sự cụ thể, cho nên các em ứng dụng AI để đánh giá tính cách cá nhân dựa trên lý thuyết 16 Personalities. Căn cứ theo bài kiểm tra MBIT (Myers-Briggs Type Indicator) được phát triển bởi 2 nhà khoa học Mỹ, người dùng được chia thành 16 tính cách cơ bản, tương ứng với 16 định hướng nghề nghiệp.
Tín hiệu tích cực
Nhìn nhận dự án vẫn trong giai đoạn hoàn thiện, em Trần Võ Đại Khánh kỳ vọng sắp tới sẽ nghiên cứu tăng thêm nhiều nguồn dữ liệu đầu vào như nhận xét từ bạn bè, cha mẹ, các giải thưởng của học sinh... Trên cơ sở đó, phần mềm có thể cho ra kết quả hướng nghiệp chính xác hơn.
|
Em Trần Võ Đại Khánh (trái) và Nguyễn Lương Minh Trí, học sinh Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3) với dự án phần mềm hướng nghiệp cho học sinh - Ảnh: P.T. |
Đồng thời, em cũng mong có thể kết nối phần mềm hướng nghiệp này với các chương trình quản lý điểm hoặc các trang web của nhà trường để đồng bộ nguồn dữ liệu, phục vụ hữu ích cho học sinh toàn TPHCM. Không chỉ giúp hướng nghiệp cho học sinh lớp Mười hai, mà theo Khánh, học sinh lớp Chín có thể sử dụng phần mềm này để lựa chọn tổ hợp môn học tự chọn khi bước vào lớp Mười, giúp hạn chế thấp nhất các trường hợp chọn nhầm.
Trong khi đó, em Nguyễn Lê Minh Thiện cũng mong muốn hoàn thiện phần mềm AI của mình để có thể đưa ra kết quả nghề nghiệp cụ thể hơn cho người dùng. Em cũng đang nghiên cứu thiết kế thêm tính năng sau khi gợi ý ngành nghề cho người dùng, phần mềm có thể gợi ý thêm những trường đại học có thế mạnh về đào tạo ngành nghề đó, cũng như dự báo được khả năng đậu đại học của người dùng vào các trường này theo phương thức xét học bạ.
Bà Bùi Minh Tâm - Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn - cho biết hiện nay, nhiều em đứng trước ngưỡng cửa lựa chọn nghề nghiệp vẫn chưa biết mình sẽ chọn ngành nghề gì, năng lực của mình thế nào, dự báo thị trường lao động ra sao... Nếu lựa chọn sai thì không chỉ đáng tiếc cho bản thân các em mà uổng phí nguồn nhân lực cho cả xã hội. Do đó, các trường THPT và cả THCS hiện nay đều chú trọng đến công tác hướng nghiệp. Nhà trường có chuỗi các hoạt động giúp học sinh có nhiều cơ hội tiếp cận với các phần mềm hướng nghiệp, có cơ hội nhìn rõ bản thân, nhìn rõ môi trường đào tạo đại học để từ đó nhận thức về nghề nghiệp tương lai.
Nhà trường rất khuyến khích học sinh viết phần mềm hướng nghiệp, để giải quyết những băn khoăn từ suy nghĩ, góc nhìn của chính các em. “Đây là tín hiệu tốt trong công tác hướng nghiệp, bởi thể hiện sự quan tâm, nhu cầu của chính học sinh khi đề xuất đề tài, tìm tòi, nghiên cứu. Tuy phần mềm có thể chỉ ở mức sơ khai, chưa đánh giá rõ hiệu quả nhưng cũng góp phần cho nhà trường, chuyên gia tham khảo, có thêm các góc nhìn trong việc hỗ trợ, hoàn thiện hơn công tác định hướng nghề nghiệp cho học sinh” - bà Bùi Minh Tâm nhìn nhận.
Theo https://www.phunuonline.com.vn/