Thứ hai , ngày 25/11/2024 19:32:14
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI XVI CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI XIII CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM NHIỆM KỲ 2023 - 2028
TIN TỨC » Tin giáo dục - truyền thông
Cập nhật : 13:32 22/8/2021         Lượt xem : 1467
Học sinh lập dự án về sức khỏe
4 học sinh TP.HCM đã lập dự án về sức khỏe thể chất và tinh thần hy vọng sẽ 'thắp sáng'được giai đoạn trưởng thành của mỗi người trẻ về mặt sức khỏe.
Từ trái sang, từ trên xuống: Hiền Trang, Bình Minh, Sơn Mi, Anh Thư, Minh Quyên - thành viên dự án /// NVCC

Từ trái sang, từ trên xuống: Hiền Trang, Bình Minh, Sơn Mi, Anh Thư, Minh Quyên - thành viên dự án

NVCC
 
Đó là Nguyễn Hiền Trang, Nguyễn Võ Anh Thư (Trường THPT Nam Sài Gòn, Q.7); Nguyễn Ngọc Bình Minh, Phạm Minh Quyên (Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3).
Dự án đang diễn ra dưới hình thức các bài viết, video đăng tải trên fanpage để phù hợp tình hình giãn cách xã hội. Các bài viết đề cập những chủ đề đơn giản, nhưng nhiều học trò chưa biết, như cách chọn dung dịch vệ sinh cho nam và nữ đúng cách, đúng lứa tuổi. Các bạn trẻ cũng đưa ra những chủ đề thời sự hiện nay như xử lý làm sao khi bỗng dưng bị tung ảnh nóng trên mạng xã hội; thế nào là quan hệ tình dục an toàn…
Không chỉ tìm thông tin khoa học từ các nguồn tài liệu tin cậy, thể hiện nó dưới dạng chữ, hình ảnh, video đơn giản, dễ hiểu, các thành viên dự án cũng chủ động tìm gặp những học sinh từng gặp vấn đề về thể chất, tinh thần. Sau đó nhóm thực hiện các video từ lời kể của các nhân vật, họ đã vượt qua khó khăn ra sao để tăng sự gần gũi.
Từ 4 bạn đầu tiên, tới nay dự án đã có 17 thành viên, là học sinh từ Hưng Yên, Hà Nội, Đà Nẵng, Ninh Thuận… Những câu chuyện về sức khỏe thể chất, tinh thần được kể ra sống động, gần gũi.
Lê Thạch Sơn Mi (lớp 12, Trường THPT Lê Quý Đôn, Q.3) thành viên dự án cho biết em từng rơi vào trầm cảm nặng nề sau lần chuyển trường mới năm lớp 7. Áp lực từ chuyển trường học, gia đình xáo trộn khiến tâm lý của Mi bất ổn, mọi việc càng trầm trọng khi em học lớp 9...
“Lần nào đi học về em cũng khóc, em tự hành hạ mình như làm cơ thể bị thương, nhịn ăn. Càng mất tự tin về học tập, em càng lệ thuộc vào “phao” mỗi giờ kiểm tra. Tới lớp 11, em vẫn cảm thấy mình tồi tệ. May mắn, em được ba mẹ đưa đi gặp bác sĩ tâm lý, uống thuốc đều đặn và hiện tại đã ổn. Biến cố này cũng giúp em tìm ra được ngành mà mình sẽ theo đuổi đó là tâm lý học, để giúp đỡ được nhiều học sinh khác”.
Trong khi đó Nguyễn Diệu Linh (lớp 12, Trường THPT Sơn Tây, Hà Nội) từng bị rối loạn ám ảnh cưỡng chế (OCD). “Em từng rửa tay kỹ đến nỗi đỏ ửng, vì một vài sai lệch nhỏ mà bất an, lo lắng, cáu kỉnh… Bây giờ, khi biết chấp nhận những sai sót như một phần của cuộc sống, em tham gia dự án này để mong hỗ trợ được nhiều bạn trẻ gặp vấn đề tương tự”, Linh kể.
Năm học mới sắp bắt đầu, nhóm đang chuẩn bị chủ đề “Back to School”, tư vấn cho các bạn cùng trang lứa cách cân bằng giữa học tập và giấc ngủ, giải tỏa áp lực học tập, nhất là trong bối cảnh phải học trực tuyến.
Vì tình hình dịch bệnh, các sự kiện trực tiếp của dự án chưa thể diễn ra. Song, Bình Minh cho hay theo kế hoạch các buổi trao đổi về sức khỏe, bác sĩ, chuyên viên y tế cùng tham gia tư vấn cho các học trò sẽ được tổ chức vào mùa hè năm 2022. Số tiền thu được từ sự kiện được gửi tới các bệnh nhân mắc bệnh hiểm nghèo.
Thầy Lê Quang Thái, giáo viên môn sinh học Trường THPT Thủ Đức (TP.Thủ Đức), cho hay: “Dự án mang tính thực tiễn vì đã đề cập tới những vấn đề nổi cộm hiện nay ở học đường như tình trạng body shaming (miệt thị ngoại hình), tình yêu - sức khỏe vị thành niên. Lối viết và cách tiếp cận gần gũi với học trò cộng với tính đúng đắn trong khoa học, tôi tin đây là những bài học bổ ích cho học sinh tích lũy ngoài những giờ học trên nhà trường. Mô hình này truyền tải thông điệp sống tích cực đến với thế hệ trẻ, thế hệ gien Z hiện tại”.
Theo thanhnien.vn