Chủ nhật , ngày 8/9/2024 7:35:0
Chào mừng 95 năm ngày Thành lập Công đoàn Việt Nam (28/7/1929-28/7/2024)
TIN TỨC » Tin giáo dục - truyền thông
Cập nhật : 15:15 4/11/2020         Lượt xem : 1331
Xóa bỏ rào cản giáo dục STEM

Phương pháp giáo dục STEM (tích hợp kiến thức các môn khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học) đang ngày càng phổ biến, mang lại hiệu quả tích cực trong giáo dục kỹ năng, phẩm chất cho học sinh, đáp ứng mục tiêu của chương trình giáo dục phổ thông mới. Tuy nhiên, vì sao phương pháp này chưa thể triển khai rộng khắp ở các trường học?  

Các em giới thiệu hệ thống tưới tự động bằng cảm ứng đo độ ẩm  của đất.  Ảnh: HOÀNG HÙNG

Các em giới thiệu hệ thống tưới tự động bằng cảm ứng đo độ ẩm của đất. 

Vừa làm vừa rút kinh nghiệm

Sáng 3-11, tại Trường THPT Lê Quý Đôn (quận 3, TPHCM), gần 200 học sinh khối 10 đã hào hứng tham gia buổi báo cáo dự án giáo dục STEM với chủ đề “Mảng xanh thành phố”. Đây là dự án học tập liên môn gồm công nghệ, hóa học, vật lý, sinh học và địa lý, khởi động từ đầu năm học 2020-2021. Cô Chu Thị Thu Hiền, giáo viên môn công nghệ khối 10, cho biết, dự án ngoài mục tiêu trang bị kiến thức còn giúp học sinh vận dụng kiến thức để cải tạo môi trường sống. Thông qua việc tìm hiểu các loại cây, đất trồng và phân bón, học sinh sẽ nghiên cứu thiết kế hệ thống tưới nước tự động để đảm bảo luôn giữ độ ẩm cho đất trồng, tiết kiệm thời gian và công sức chăm sóc. 

Em Trần Thiện Minh, học sinh lớp 10A7, Trường THPT Lê Quý Đôn, chia sẻ: “Để thiết kế hệ thống tưới nước phù hợp cây trồng, em và nhóm nghiên cứu phải tổng hợp kiến thức nhiều môn học. Việc nghiên cứu tuy mất nhiều thời gian và công sức so với học từng môn riêng lẻ, nhưng giúp em hệ thống được kiến thức, hiểu sâu bài hơn và phát huy khả năng sáng tạo. Ngoài ra, trong quá trình thực hiện, những thất bại như hạt giống cây không nảy mầm, lỗi hệ thống cài đặt máy tưới là những bài học quý giá mà không sách vở nào dạy em cả”. 

Vai trò chủ động của giáo viên

Theo bà Nguyễn Thị Phương Hoa, Giám đốc Trung tâm Đào tạo ngắn hạn, Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM, không nên quan niệm STEM chỉ phù hợp học sinh ở các bậc học lớn. Thay vào đó, phương pháp giáo dục này có thể áp dụng từ bậc tiểu học, tập trung vào việc giúp trẻ làm quen, tạo hứng khởi khi tiếp xúc với các lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, công nghệ và toán học. Lên đến bậc THCS, các bài học sẽ có chủ đề rõ ràng và mang tính thử thách hơn. Học sinh được tiếp xúc và nhận thức rõ ràng hơn về các ứng dụng STEM trong thực tiễn, qua đó giúp các em có định hướng nghề nghiệp rõ hơn trong tương lai.

Riêng đối với bậc THPT, học sinh đã được trang bị nền tảng kiến thức, kỹ năng từ các bậc học dưới, đủ năng lực giải quyết vấn đề đặt ra trong thực tế, làm cơ sở để xây dựng và phát triển lộ trình nghề nghiệp phù hợp bản thân. Như vậy, từng giai đoạn học tập đều đặt ra yêu cầu và mục tiêu giáo dục cụ thể, đòi hỏi người giáo viên khi xây dựng chương trình phải có sự linh hoạt, tìm ra phương pháp giảng dạy phù hợp với từng đối tượng học sinh. 

Ngoài ra, theo chia sẻ của lãnh đạo nhiều trường học, rào cản lớn nhất hiện nay của phương pháp giáo dục STEM là vấn đề “tiền đâu”. Giải quyết khó khăn này, cô Cao Phan Hà Vy, giáo viên Trường THCS Lê Quý Đôn (quận 3) chia sẻ, các trường có thể tranh thủ kinh phí từ các nguồn xã hội hóa. Bởi hiện nay, muốn xây dựng một phòng thực hành STEM đúng nghĩa, trường học phải đầu tư nhiều loại máy móc, thiết bị như máy in 3D, máy khoan, máy cưa, màn hình tương tác, kính thực tế ảo…

Ở góc độ khác, theo thầy Hà Hữu Thạch, Hiệu trưởng Trường THPT Lê Quý Đôn, thiết bị công nghệ chỉ là “điều kiện cần”, để đổi mới dạy học thành công và hiệu quả cần sự chủ động tìm tòi, nghiên cứu của giáo viên. Hiện nay, trên internet có rất nhiều phần mềm công nghệ, nhưng làm sao tìm được công cụ giảng dạy phù hợp, vừa tiết kiệm chi phí vừa mang lại hiệu quả học tập cho học sinh. Rất cần sự chủ động nghiên cứu, dám nghĩ dám làm và dấn thân của các thầy, cô giáo.

Trích SGGP Online