Thứ ba , ngày 28/1/2025 2:50:24
NHIỆT LIỆT CHÀO MỪNG ĐẠI HỘI XVI CÔNG ĐOÀN GIÁO DỤC VIỆT NAM HƯỚNG TỚI ĐẠI HỘI XIII CÔNG ĐOÀN VIỆT NAM NHIỆM KỲ 2023 - 2028
Giới thiệu
Kế hoạch chiến lược

KẾ HOẠCH CHIẾN LƯỢC PHÁT TRIỂN TRƯỜNG

THPT LÊ QUÝ ĐÔN THEO XU THẾ HỘI NHẬP QUỐC TẾ TRONG GIAI ĐOẠN 2019 - 2024

š›


PHẦN THỨ NHẤT 

PHÂN TÍCH MÔI TRƯỜNG

         1.         Đặc điểm tình hình:

Được thành lập năm 1875, trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn cho đến nay đã gần 140 năm, là ngôi trường trung học đầu tiên ở Sài Gòn và mang tên College Chasseloup Laubat, đến năm 1958 trường đổi tên thành Lycée Jean - Jacque Rousseau và từ năm 1970 đến nay, trường chính thức mang tên nhà bác học Việt Nam Lê Quý Đôn.

Trải qua nhiều năm tháng, các thế hệ thầy trò trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn không ngừng phấn đấu để gìn giữ và phát huy truyền thống vẻ vang của trường, nhiều thế hệ học sinh đã thành đạt trong nhiều lĩnh vực khoa học, kỹ thuật, văn hóa, giáo dục, nghệ thuật…

Trường có khuôn viên rộng rãi với tổng diện tích đất khoảng 12.000m2 nằm ngay tại trung tâm thành phố, với cây xanh, bóng mát, sân trường thoáng đãng, cơ sở hạ tầng khang trang, sạch đẹp và cơ sở vật chất hiện đại, đúng chuẩn.

Với bề dày thành tích hoạt động nhiều năm liền, trường trung học phổ thông Lê Quý Đôn luôn đi đầu trong việc đổi mới giáo dục. Từ năm học 2006-2007, trường đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố và Sở Giáo dục và Đào tạo Thành phố Hồ Chí Minh chọn thực hiện mô hình giáo dục tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế. Đến năm 2014 trương thực hiện theo Quyết định 3036/QĐ-UBND của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về tiêu chí trường tiên tiến, theo xu thế hội nhập khu vực và quốc tế như sau:

Ø Không dạy thêm học thêm.

Ø Không thu các khoản nào khác ngoài học phí.

Ø Đảm bảo tốt chương trình của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Ø Thực hiện tốt kết quả của phương pháp dạy học tiên tiến.

Ø Phát huy được năng khiếu và khả năng tư duy của học sinh nhằm phát triển con người toàn diện.

Từ những năm đầu thực hiện đến nay, kết quả thu được đã chứng tỏ học sinh năng động, tự tin, bản lĩnh hơn trong mọi hoạt động, đủ năng lực hội nhập trong các môi trường giáo dục quốc tế. Với sĩ số dưới 30 học sinh/ lớp, song song với việc giáo dục tri thức, giáo viên có điều kiện quan tâm tìm hiểu, hướng dẫn từng học sinh rèn luyện nhân cách, xác định lý tưởng, hướng nghiệp và xây dựng phương pháp tự học cho học sinh, tổ chức cho học sinh thực hành và đánh giá, uốn nắn từng học sinh trong quá trình dạy học… Từ đó, có thể nhận thấy phương pháp giảng dạy mới của mô hình giáo dục mới đã đạt được nhiều kết quả khả quan:

Ø Về phía học sinh

§  Học sinh có khả năng tự học, tự nghiên cứu giáo trình.

§  Học sinh chủ động hơn trong học tập.

§  Ngoài sách giáo khoa, học sinh biết tìm tòi nhiều nguồn tư liệu khác (theo định hướng của giáo viên).

§  Học sinh biết khai thác các phần mềm ứng dụng hiệu quả trong việc học.

§  Học sinh nắm vững kiến thức và được trau dồi nhiều kỹ năng sống thiết thực.

§  Học sinh đoàn kết gắn bó nhau, xây dựng tinh thần tập thể, biết chia sẻ thông tin, hoàn thiện nhân cách, đủ điều kiện để hội nhập trong các môi trường giáo dục tiên tiến.

§  Số học sinh vi phạm nội quy giảm, không có học sinh vi phạm luật giao thông.

Ø Về phía giáo viên

§  Giáo viên từng bước làm quen và sử dụng hiệu quả các thiết bị dạy học hiện đại. 100% giáo viên đều soạn và giảng bằng giáo án điện tử, ứng dụng công nghệ thông tin khiến tiết học sinh động, lý thú hơn.

§  Giáo viên rất chú ý trong việc tổ chức hướng dẫn cho học sinh thảo luận nhóm, thuyết trình… giúp học sinh phát huy khả năng tự học và sáng tạo.

§  Giáo viên có năng lực đánh giá, xếp loại học sinh trong quá trình dạy, kịp thời phát huy sở trường và chấn chỉnh, khắc phục khuyết điểm cho từng học sinh.

§  Giáo viên từng bước biết cách tổ chức các buổi sinh hoạt ngoại khóa, giao lưu nhằm phát triển kỹ năng giao tiếp cho học sinh, đồng thời gầy dựng được ý thức trách nhiệm của cá nhân với tập thể, biết quan tâm đến đời sống, xã hội, cộng đồng.

§  Trên bước đường phát triển và hoàn thiện mô hình, nhà trường luôn có kế hoạch bồi dưỡng, nâng cao trình độ để giáo viên đủ khả năng hội nhập với các nền giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

§  Giáo viên có cơ hội sử dụng hiệu quả phòng học với trang thiết bị hiện đại, các phòng multi media, phòng Thực hành Lý, Hóa, Sinh, Thư viện, Nhà thi đấu… Các giờ học tiếng Anh với người bản ngữ được nhà trường kết hợp với trung tâm AUSP của Đại học Quốc gia, hợp đồng với các giáo viên nước ngoài có đủ trình độ sư phạm để dạy tiếng Anh.

§  Nhà trường luôn định hướng cho giáo viên trong việc quan tâm giữ gìn và phát huy các giá trị bản sắc văn hóa Việt Nam, giáo dục cho học sinh ý thức tự hào dân tộc. Các buổi lễ truyền thống như Trại Xuân, giỗ Tổ vua Hùng… luôn được nhà trường tổ chức trang trọng, khơi gợi ý thức cội nguồn cho học sinh.

a.     Về chất lượng giáo dục:

Ø Bình quân số học sinh 3 năm gần đây: 1.250 học sinh.

Ø Bảng thống kê chất lượng học tập của học sinh trong ba năm gần đây:

Năm học

Học lực

Hạnh Kiểm

G

K

TB

Yếu

Kém

Tốt

Khá

TB

Yếu

2016-2017

939

324

16

0

0

1216

60

3

0

2017-2018

943

295

8

0

0

1215

30

1

0

2018-2019

982

249

7

0

0

1200

32

6

0

Nhận xét:

Ø Chất lượng học sinh (về học lực lẫn hạnh kiểm) được đảm bảo qua nhiều năm liên tiếp, chứng tỏ mô hình giáo dục tiên tiến mà nhà trường áp dụng trong những năm qua đã phát huy hiệu quả tích cực.

b.     Về tài chính:

Hoạt động tài chính của nhà trường dựa trên kinh phí nhà nước cấp, nguồn thu: từ học phí công lập theo quy định và nguồn thu phí mô hình tiên tiến theo Quyết định 3968/QĐ-UBND ngày 13 tháng 8 năm 2015 với mức thu là 1.500.000 đồng/ học sinh/ tháng.

Cơ chế sử dụng học phí của trường dựa trên sự chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, đã được Ủy ban Nhân dân Thành phố và Hội đồng Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh thông qua:

Ø  30% chi cho con người

Ø  48% chi hỗ trợ hoạt động giảng dạy học tập

Ø  20% chi đầu tư cơ sở vật chất

Ø  2% chi cho học bổng và quỹ dự phòng

Báo cáo công khai tài chính hàng năm của trường đều được đưa về các tổ thảo luận, nêu ý kiến đóng góp và được thống nhất thông qua trong Hội nghị Cán bộ Công chức đầu năm học. Sau đó trường công khai niêm yếu trong phòng hội đồng giáo viên 3 tháng để đảm bảo 100% cán bộ, công nhân viên đều được xem. Từ năm 2006 đến nay, chưa xảy ra đơn thư khiếu nại nào về vấn đề tài chính.

Kế hoạch thu chi của mỗi năm học cũng được nhà trường bàn bạc và thông qua trong Hội nghị Cán bộ Công chức đầu năm học và xây dựng thành kế hoạch cụ thể của năm học.

Việc quản lý và sử dụng các khoản thu được đơn vị đảm bảo yêu cầu công khai dân chủ, minh bạch theo quy định tại Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25 tháng 4 năm 2006 của  Chính phủ; Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 2 năm 2015. Và các hướng dẫn thu, sử dụng học phí và thu khác của Sở Giáo dục và Đào tạo cho từng năm học.

Ø Ưu điểm:

§  Nguồn thu ổn định theo hằng năm.

§  Nhà trường có kế hoạch thu đúng, thu đủ, bảo đảm cho nguồn ngân sách.

§  Cách thu phù hợp với tình hình kinh tế địa phương.

§  Việc công khai tài chính thực hiện đúng quy định, tạo được sự đồng thuận trong đơn vị.

Ø Nhược điểm: một số chính sách chi tiêu còn gò bó tính tự chủ của trường.

         2.         Các vấn đề chiến lược:

Ø Xây dựng mô hình tiên tiến, hiện đại và hội nhập, trở thành trường học thông minh đáp ứng nhu cầu học tập của học sinh và yêu cầu của xã hội; tiếp cận được với giáo dục ở các nước trong khu vực và quốc tế.

Ø  Nâng cao hơn nữa chất lượng đội ngũ, có kỹ năng sư phạm, thích ứng với mục tiêu đổi mới giáo dục.

Ø Góp phần đổi mới cơ chế hoạt động của các đơn vị sự nghiệp công, đẩy mạnh xã hội hóa một số loại hình dịch vụ sự nghiệp công.

Ø Tạo điều kiện để cơ sở giáo dục có điều kiện trở thành nhân tố tiên phong trong quá trình xây dựng nền giáo dục tiên tiến, hiện đại.

Ø Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện của cơ sở giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa và hội nhập quốc tế.

Ø Chuẩn hóa, hiện đại hóa cơ sở vật chất nhà trường.


PHẦN THỨ HAI 

ĐỊNH HƯỚNG CHIẾN LƯỢC

1. Sứ mạng:

Trường THPT Lê Quý Đôn là cơ sở giáo dục THPT đào tạo học sinh có học vấn phổ thông hoàn thiện trên cơ sở văn hóa giáo dục hiện đại. Là mô hình nhà trường đi đầu xây dựng trường tiên tiến trong xu thế hội nhập, phấn đấu ngang tầm quốc tế về tổ chức và đào tạo nhưng hoàn toàn Việt Nam và đậm sắc bản sắc dân tộc.

2. Hệ thống các giá trị cơ bản của nhà trường:

- Năng động, sáng tạo, khát vọng vươn lên.       

-  Công bằng, minh bạch.

- Đoàn kết, nhân ái.                                         

-  Sống trung thực, trách nhiệm.

3. Tầm nhìn:

      Giữ vững kết quả đạt được, từng bước nâng cao hơn nữa chất lượng toàn diện về cơ sở vật chất, kỹ năng sư phạm, hoàn thành đội ngũ thích ứng với mục tiêu đổi mới giáo dục, đồng thời đặt ra những mục tiêu cao hơn trong việc đào tạo con người, hoàn thiện sự phát triển tri thức và nhân cách cho học sinh. Tất cả những nỗ lực trên đều nhằm mục tiêu: phát triển khả năng tự học, trau dồi kỹ năng sống, ý thức trách nhiệm và kỹ năng hòa nhập của học sinh khi tiếp xúc với môi trường giáo dục tiên tiến trong khu vực và trên thế giới.

  4.Phương châm hành động                  

 “Dân chủ, kỷ cương, công bằng, trách nhiệm 


 PHẦN THỨ BA

 

 MỤC TIÊU CHIẾN LƯỢC

A.   Mục tiêu chung:

Trường THPT Lê Quý Đôn phấn đấu hiện nay và những năm tiếp theo phải thực hiện được các mục tiêu chiến lược sau:

-         Xây dựng đội ngũ giáo viên vững về chuyên môn, giỏi nghiệp vụ; thống nhất trong tư tưởng và hành động; tự tin, nhạy bén, linh hoạtcó tâm huyết với nghề, yêu trường, yêu lớp và đáp ứng được yêu cầu phát triển giáo dục của nhà trường.Nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện trên tất cả các mặt Đức – Trí – Thể – Mỹ; chú trọng giáo dục các giá trị trung thực, tự tin, có khát vọng vươn lên, thích nghi với mọi hoàn cảnh; biết tôn trọng, biết lắng nghe, có tư duy phản biện và bày tỏ chính kiến của mình.

-         Xây dựng môi trường sư phạm thân thiện, có cơ sở vật chất đầy đủ để đáp ứng nhu cầu dạy và học; tạo lập mối quan hệ thân thiện giữa thầy và trò, giữa nhà trường và cha mẹ học sinh.

-         Xây dựng trường tiên tiến hội nhập khu vực và quốc tế có chất lượng giáo dục cao, trở thành một trong những trường THPT hàng đầu của thành phố; hiện đại, góp phần thúc đẩy địa phương phát triển, bắt kịp xu thế phát triển của đất nước và thế giới.

B.    Mục tiêu cụ thể:

       I.         Tổ chức và quản lý nhà trường:

1. Lớp học:

a) Đảm bảo đủ các khối lớp của cấp học: dạy theo chương trình cơ bản, nâng cao với các khối lớp A; A1; B; D.

b) Số phòng học: 46 đủ cho việc học 2 buổi/ngày, với đầy đủ trang thiết bị.

c) Sĩ số: 30  học sinh/lớp.

2. Chuyên môn, nghiệp vụ:

a) Giao quyền chủ động cho tổ chuyên môn, giáo viên trong việc xây dựng kế hoạch dạy học theo chương trình phổ thông hiện hành theo định hướng đổi mới, chuẩn bị tốt cho việc triển khai chương trình sách giáo khoa mới.

b) Tổ chuyên môn chủ động đưa các chủ để tích hợp trong môn học hoặc các chủ đề tích hợp liên môn vào dạy học, Hàng năm mỗi tổ chuyên môn thực hiện được ít nhất một chuyên đề có tác dụng nâng cao chất lượng, hiệu quả dạy - học và được đánh giá tốt.

c) Lập kế hoạch chi tiết và cụ thể tham gia các hoạt động giáo dục toàn diện trong nhà trường, hướng dẫn học sinh nghiên cứu khoa học, ứng dụng công nghệ thông tin vào học tập, hỗ trợ học sinh tham gia các hoạt động hòa nhập với cộng đồng và giao lưu quốc tế.

d) Lập kế hoạch bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của mỗi giáo viên và của cả tổ chuyên môn; đạt các quy định về đào tạo, bồi dưỡng.

3. Hành chính, văn phòng:

a) Đổi mới phương pháp làm việc khoa học, hiệu quả  nhằm thực hiện và phục vụ tốt các hoạt động của nhà trường.

b) Quản lý hệ thống hồ sơ, sổ sách của nhà trường theo quy định của Điều lệ trường trung học và những quy định trong hướng dẫn sử dụng của từng loại sổ.

4. Hội đồng trường và các hội đồng khác trong nhà trường được thành lập và thực hiện chức năng, nhiệm vụ theo quy định hiện hành của Điều lệ trường trung học; hoạt động có kế hoạch, nề nếp, đạt hiệu quả thiết thực góp phần nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, xây dựng nề nếp kỷ cương của nhà trường.

5. Chi bộ Đảng trong nhà trường được công nhận trong sạch, vững mạnh. Các đoàn thể, tổ chức xã hội trong nhà trường được công nhận vững mạnh về tổ chức, có nhiều đóng góp trong các hoạt động đối với địa phương. 

       II.        Cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên.

1. Hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng đạt tiêu chuẩn theo quy định hiện hành của Điều lệ trường trung học; thực hiện tốt quy chế dân chủ trong hoạt động của nhà trường; được cấp quản lý giáo dục trực tiếp xếp xuất sắc theo qui định hiện hành về chuẩn hiệu trưởng trường trung học.

Hiệu trưởng và các phó hiệu trưởng có tinh thần mạnh dạn đổi mới, xây dựng được các kế hoạch dài hạn, trung hạn và ngắn hạn nhằm xây dựng nhà trường theo hướng tiên tiến, hiện đại, học sinh có năng lực hành động thực tiễn trong bối cảnh đất nước ngày càng phát triển và hội nhập với thế giới.

2. Có đủ giáo viên các bộ môn đạt trình độ chuẩn đào tạo theo quy định, trong đó ít nhất 40% giáo viên đạt trình độ trên chuẩn; có 100% giáo viên đạt tiêu chuẩn dạy giỏi từ cấp cơ sở trở lên; có 100% giáo viên đạt chuẩn loại khá trở lên theo quy định về chuẩn nghề nghiệp giáo viên trung học; hiểu biết và vận dụng được các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực, thường xuyên hướng dẫn học sinh vận dụng được kiến thức chuyên môn vào việc giải quyết các vấn đề của thực tiễn cuộc sống.

3. 100% giáo viên đạt trình độ chứng chỉ A ngoại ngữ Anh, trong đó có ít nhất 20% đạt trình độ chứng chỉ B ngoại ngữ Anh; 100% giáo viên Tiếng Anh đạt trình độ C1 (đối với cấp THPT).

   100% giáo viên biết ứng dụng công nghệ thông tin trong đổi mới phương pháp dạy học, kiểm tra đánh giá và học tập nâng cao trình độ;

   100% giáo viên có kiến thức về phương pháp nghiên cứu khoa học, xây dựng và thực hiện được các đề tài nghiên cứu khoa học; có khả năng hướng dẫn học sinh thực hiện các đề tài nghiên cứu khoa học gắn với thực tiễn cuộc sống; có khả năng giao tiếp với các đồng nghiệp trong nước và quốc tế để trao đổi về chuyên môn; có kiến thức về các kỹ năng sống cần thiết để hỗ trợ các lực lượng trong và ngoài nhà trường giáo dục học sinh phát triển toàn diện.

4. Có đủ nhân viên phụ trách thư viện, thư viện điện tử, phòng giới thiệu sách, phòng học bộ môn, phòng thiết bị dạy học được đào tạo hoặc bồi dưỡng đủ năng lực nghiệp vụ, hoàn thành tốt nhiệm vụ.

      III.      Chất lượng giáo dục.                                                                              

1.     Chất lượng giáo dục:

a) Học lực: 100% học sinh xếp loại từ trung bình trở lên. Trong đó:

- Số học sinh xếp loại giỏi đạt từ 60% trở lên;

- Số học sinh xếp loại khá giỏi: đạt từ 90% trở lên;

- Số học sinh có điểm xét tuyển vào Đại học đạt từ điểm sàn trở lên: trên 90%.

b) Hạnh kiểm: 100% học sinh xếp loại từ trung bình trở lên. Trong đó, số học sinh xếp loại khá, tốt đạt từ 95% trở lên.

c) Nâng cao chất lượng dạy và học ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh. Số học sinh sử dụng được tiếng Anh (cả bốn kỹ năng nghe, nói, đọc, viết) đạt trên 90% trình độ IELTS 5.0 (sau khi tốt nghiệp THPT).

d) Số học sinh có kiến thức và kỹ năng về công nghệ thông tin: tin học văn phòng, sử dụng web, kỹ năng giao tiếp trên mạng: 100%.

đ) Số học sinh tham gia các hoạt động học tập gắn với thực tiễn cuộc sống (tham gia các hoạt động dạy học tích cực, dạy học theo dự án, nghiên cứu khoa học, vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống...): trên 90%.

e) Số học sinh tham gia các hoạt động xã hội, hoạt động cộng đồng (tham gia các đội công tác xã hội, các câu lạc bộ đội, nhóm về văn hóa nghệ thuật, khoa học kỹ thuật, thể dục thể thao...): 100%.

2.     Các hoạt động giáo dục:

a) Thực hiện theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo về thời gian tổ chức, nội dung các hoạt động giáo dục ở trong và ngoài giờ lên lớp.

b) Tổ chức dạy tiếng Anh với người bản xứ, dạy tăng cường Tin học, dạy Toán và Khoa học bằng tiếng Anh theo chương trình chuẩn của quốc tế, học sinh có thể tham gia thi kiểm tra trình độ theo chứng chỉ có giá trị quốc tế.

c) Tổ chức các hoạt động dạy học gắn với thực tiễn cuộc sống: triển khai các phương pháp và kỹ thuật dạy học tích cực, vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết những vấn đề trong thực tiễn cuộc sống. Đẩy mạnh và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động nghiên cứu khoa học trong giáo viên và học sinh; tổ chức giờ kỹ năng sống ngoài các giờ lý thuyết trên lớp, có đi thực hành tại các cơ sở thực tế, cuối khóa học cấp giấy chứng nhận.

d) Tổ chức các hoạt động giáo dục toàn diện: giáo dục chính trị tư tưởng, giáo dục đạo đức và hòa nhập với cộng đồng, giáo dục kỹ năng sống, giáo dục thẩm mỹ, giáo dục thể chất, giáo dục quốc phòng và an ninh, tổ chức và thành lập các Câu lạc bộ đội nhóm, tạo sân chơi lành mạnh thông qua đó để phát triển nhân cách, giáo dục ý thức trách nhiệm và phát triển năng khiếu từng học sinh.

      IV.      Cơ sở vật chất và thiết bị dạy học.

1. Thực hiện quy định công khai điều kiện dạy học, chất lượng giáo dục, quản lý tài chính, tài sản, tự chủ tài chính, các nguồn kinh phí được đầu tư, hỗ trợ của nhà trường theo qui định hiện hành.

2. Khuôn viên nhà trường được xây dựng riêng biệt, có tường rào, cổng trường, biển trường; các khu vực trong nhà trường được bố trí hợp lý, luôn xanh, sạch, đẹp. Đủ diện tích sử dụng để đảm bảo tổ chức các hoạt động quản lý, dạy học và sinh hoạt, có diện tích sử dụng ít nhất từ 4m2   /học sinh.

3. Có đầy đủ cơ sở vật chất theo quy định hiện hành của Điều lệ trường trung học.

4. Có hệ thống công nghệ thông tin kết nối internet đáp ứng yêu cầu quản lý và dạy học; có website thông tin của nhà trường trên mạng internet và hoạt động thường xuyên, hỗ trợ có hiệu quả cho công tác dạy học và quản lý nhà trường. Địa chỉ Website của trường: www.thpt-lequydon-hcm.edu.vn 

        V.        Quan hệ giữa nhà trường, gia đình và xã hội.

1. Nhà trường chủ động phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, các đoàn thể, tổ chức ở địa phương thực hiện những biện pháp nhằm thực hiện chủ trương và kế hoạch phát triển giáo dục địa phương.

2. Ban đại diện cha mẹ học sinh được thành lập và hoạt động theo quy định hiện hành về tổ chức và hoạt động của Ban đại diện cha mẹ học sinh, hoạt động có hiệu quả trong việc kết hợp với nhà trường và xã hội đầu tư phát triển cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học nhằm duy trì, giữ vững và phát huy các kết quả đã đạt được của nhà trường.

3. Mối quan hệ và thông tin giữa nhà trường, gia đình và xã hội được duy trì thường xuyên, kịp thời, chặt chẽ, tạo nên môi trường giáo dục lành mạnh, phòng ngừa, đẩy lùi các hiện tượng tiêu cực, tệ nạn xã hội xâm nhập vào nhà trường.

4. Huy động hợp lý và có hiệu quả sự tham gia của gia đình và cộng đồng vào các hoạt động giáo dục để nâng cao hiệu quả giáo dục toàn diện của nhà trường. 


 PHẦN BỐN 

CÁC GIẢI PHÁP CHIẾN LƯỢC

Để đạt được những điều đó, nhà trường cần có sự chuẩn bị, đầu tư, chu đáo hơn trong mọi mặt, từ cơ sở vật chất, hoạt động chuyên môn đến con người.

I.      Xây dựng cơ sở vật chất:

-       Tăng cường trang thiết bị dạy học theo hướng đa dạng hóa và hiện đại hóa:

-      Thực hiện đổi mới phương pháp giảng dạy theo hướng hiện đại, phát huy hơn nữa những hiệu quả tích cực cho học sinh, trường cần trang bị thêm hệ thống màn hình tương tác thông minh trong mỗi lớp học, mỗi phòng thí nghiệm 1 bảng, phòng hội đồng 1 bảng, thư viện 1 bảng..

-      Xây dựng kế hoạch hoàn thiện Thư viện điện tử

-      Hoàn thiện phòng Test IQ cho bộ phận Phòng tâm lý song song với việc đào tạo đội ngũ chuyên trách phòng Tâm lý.

-      Thường xuyên nâng cấp phần mềm và hoàn thiện phòng Multimedia cho tổ Anh văn, tiến đến mục tiêu cho học sinh học và thi ngay trên máy khai thác tối đa những tiện ích từ phương pháp học hiện đại này.

-      Bổ sung trang thiết bị cần thiết theo chuẩn của Bộ Giáo dục và Đào tạo cho các phòng thí nghiệm Lý - Hóa - Sinh với mục đích cho học sinh được thực hành đủ tất cả các bài thực hành quy định và thêm những bài mở rộng, nâng cao, đáp ứng nhu cầu hòa nhập theo hướng tú tài quốc tế hoặc tương đương trình độ A-level.

-      Tiếp tục nâng cấp các phòng Máy tính để đáp ứng yêu cầu giảng dạy mức độ cao, theo kịp sự phát triển công nghệ thông tin của thời đại, giúp học sinh có khả năng thực hiện một số lập trình cơ bản và nâng cao.

-      Nâng cấp cơ sở vật chất để hỗ trợ cho hoạt động Thể dục thể thao và Giáo dục Quốc phòng

-      Mua mới trang thiết bị tạo sân khấu ngoài trời rộng rãi hơn để có đáp ứng những tiết mục đồng diễn với số lượng lớn, phục vụ cho học sinh toàn trường.

   + Mua sắm nhạc cụ cần thiết cho các tiết học Năng khiếu của học sinh lớp 10.

   + Mở phòng tập kịch, tập văn nghệ để học sinh có không gian tập dượt.

-      Trang thiết bị cho phòng Y tế cũng cần được đầu tư thêm để phục vụ học sinh, cán bộ - giáo viên - nhân viên nhà trường tốt hơn.

II.     Hoạt động chuyên môn:

-      Thực hiện kế hoạch giảng dạy, đổi mới phương pháp dạy học và kiểm tra đánh giá theo hướng phát triển năng lực học sinh:

-      Đổi mới mạnh mẽ chương trình, nội dung, phương pháp dạy họcphát huy tính tích cực, chủ động, sáng tạo, hợp tác, triển khai dạy học tốt môn tự chọn, tăng cường thực hành, rèn luyện khả năng tự học cho học sinh; Chú trọng dạy học tích hợp, kiến thức liên môn.

v Về mặt học tập:

-      Thi tốt nghiệp trung học phổ thông: Học sinh đạt từ 36 điểm trở lên, không có học sinh có điểm dưới trung bình ở 6 môn thi.

-      Trình độ ngoại ngữ: học sinh ban D phấn đấu 70% có bằng IELTS 5.0 trở lên.

-      Trình độ các môn trọng điểm: cố gắng để chất lượng học sinh trường Lê Quý Đôn khi thi tốt nghiệp trung học phổ thông sẽ có trình độ tương đương tú tài quốc tế IBT hoặc A-level.

-      20% học sinh có thể đọc - hiểu bài giảng và đề thi các môn khoa học tự nhiên bằng tiếng nước ngoài như môn Toán - Lý - Hóa - Sinh.

-      95% học sinh vào đại học cho tất cả các dạng, 5% học sinh du học nước ngoài.

-      Xét riêng về việc tổ chức giảng dạy cho học sinh ở các môn trọng điểm:

-      Học sinh được chăm sóc, rèn luyện các môn trọng điểm từ lớp 10, để đến lớp 12 các em đủ sức thi vào các trường đại học ở nhóm điểm cao. Nhà trường có lộ trình phù hợp cho từng đối tượng học sinh và theo nguyện vọng của học sinh trong suốt 3 năm cho các nhóm môn Toán - Lý - Hóa, Toán - Lý - Anh, Toán - Hóa - Sinh, Toán - Văn - Ngoại Ngữ…)

-      Trong từng giai đoạn học tập, nhà trường sẽ tổ chức đánh giá kết quả học tập, từ đó có thể kịp thời lọc ra những học sinh cần được phụ đạo, rèn luyện, ôn tập củng cố kiến thức và những học sinh có khả năng tư duy cao để bồi dưỡng, nâng cao kiến thức..

v Các hoạt động ngoại khóa:

-      100% học sinh được rèn luyện kỹ năng sống có chất lượng, được chuẩn hóa theo tiêu chuẩn của trường đề ra. Học sinh khối 10: được trang bị các kỹ cơ bản: giao tiếp ứng xử, thảo luận  nhóm; Học sinh khối 11: được rèn luyện tư duy sáng tạo để giải quyết vấn đề một cách khoa học; Học sinh khối 12: biết xác định mục tiêu trong cuộc sống, nắm vững kỹ năng thuyết trình và nói trước công chúng. Học sinh sau khi học 3 năm không chỉ hình thành được tinh thần kỷ luật cao, giữ vững nề nếp, tác phong, mà còn phải hoàn thiện đầy đủ những kỹ năng sống cần thiết. Với các lớp kỹ năng sống giảng dạy theo giáo trình hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế, học sinh phải được cấp giấy chứng nhận của cơ quan có thẩm quyền.

-      Sau 3 năm học, các em được giao lưu quốc tế một lần tại các nước trong vùng ASEAN, châu Á và châu Âu. 100% các lớp có khả năng tiếp đón các bạn nước ngoài cùng trang lứa.

-      Mỗi một khối lớp ít nhất có một lần giao lưu với trường quốc tế đúng nghĩa trên địa bàn thành phố.

-      Mỗi học sinh được tham gia các chuyến dã ngoại trong ngày 1-2 lần trong năm, dã ngoại từ 3-4 ngày 1 lần/năm. Các chương trình dã ngoại phải bổ ích, thiết thực và thú vị, tạo sân chơi lành mạnh cho học sinh. Riêng khối 12, ngoài những tiêu chuẩn trên còn được tham dự Trại Xuân truyền thống, lễ Trưởng thành.

III.   Đối với giáo viên:

-      Giáo viên được học tập và đào tạo để sử dụng được bảng thông minh có hiệu quả, sử dụng được Thư viện điện tử, được tạo điều kiện và rèn luyện kỹ năng để hình thành tiết học tích cực ít nhất một lớp 1 lần cho 1 học kỳ.

-      Trên 90% giáo viên phải có bằng A ngoại ngữ, trên 50% có bằng B, trên 30% có bằng C và cố gắng phấn đấu toàn thể giáo viên ngoại ngữ đạt chuẩn theo tiêu chuẩn Cambrigde hoặc IELTS 6.5, TOEFT 525. Như vậy giáo viên mới có thể tự tin cùng học sinh tiếp đón các đoàn khách tham quan từ nước ngoài hay đưa học sinh ra nước ngoài tham quan học tập.

-      Tỷ lệ giáo viên đạt trình độ thạc sĩ, tiến sĩ 40%, nhất là đội ngũ giáo viên trẻ.

-      Giáo viên lần lượt được du lịch tham quan hệ thống giáo dục ở nước ngoài (đây là tham quan học tập, không lãnh tiền thay thế). Chú trọng cho giáo viên các môn khoa học tự nhiên Toán - Lý - Hóa - Sinh - Ngoại ngữ được đi học tập, trao đổi, nâng cao chuyên môn nghiệp vụ, còn lại là tham quan học tập.

-      Giáo viên được bồi dưỡng chuyên môn và nghiệp vụ thường xuyên tại trường / thành phố với các chuyên gia giáo dục trong và ngoài nước về quan điểm sư phạm hiện đại, phương pháp giáo dục hiện tiên tiến, kỹ năng nghề nghiệp, tâm lý học giáo dục…

-      Giáo viên bộ môn và giáo viên chủ nhiệm được tập huấn để sử dụng hiệu quả sổ đánh giá từng học sinh trong từng tiết học của lớp mình dạy, từ đó có biện pháp giáo dục thích hợp và kịp thời.

-      Riêng giáo viên nước ngoài phải được tập huấn sử dụng thành thạo phòng multi media và mỗi lớp phải học trên phòng multi media 1 tiết/tuần.

-      Các giáo viên Văn - Sử - Địa - Công Nghệ phải đầu tư xây dựng giáo án và tổ chức lớp với những hình thức vừa hấp dẫn học sinh, vừa kích thích học sinh đọc tài liệu mở rộng, vừa thể hiện được trọng tâm, và quan trọng là phải theo đúng chủ trương của Đảng và Nhà nước, trở thành bộ môn đi đầu trong phong trào xây dựng Tiết học tích cực.

-      Giáo viên cần đẩy mạnh hoạt động chuyên đề hỗ trợ cho chuyên môn, tổ chức các tiết thao giảng cấp thành phố, cấp cụm… đạt chất lượng cao, đầu tư tốt hơn cho những Tiết học tích cực…

-      Song song với những điều trên, giáo viên cần thường xuyên nâng cao trình độ lý luận chính trị để có thể làm việc, cống hiến đúng theo định hướng.

-      Nhà trường phải cố gắng làm sao để ngoài lương cơ bản ngạch bậc hệ số thì giáo viên được thu nhập tăng thêm từ 1 đến 2 lần lương (thông qua các hoạt động giáo dục) để có điều kiện đầu tư tốt hơn cho công việc.

IV.   Về mặt tổ chức:

-      Nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý nhà trường, nâng cao chất lượng giảng dạy và phát triển đội ngũ:

 Căn cứ trên chương trình hiện hành và chuẩn bị thực hiện chương trình sách giáo khoa mới của Bộ Giáo dục và Đào tạo để đề ra lộ trình thích hợp từ lớp 10 đến hết 12 sao cho phù hợp với mục tiêu thi tốt nghiệp trung học phổ thông, thi tuyển sinh đại học.

-      Các bộ phận cơ sở vật chất và bộ phận hỗ trợ trong trường có kế hoạch hoạt động đồng bộ và phù hợp với lộ trình trên.

-      Các tổ bộ môn cần thống nhất giáo án, giáo trình trong toàn khối, có sự liên thông giữa các khối, có phần mở rộng, nâng cao kiến thức, tiến tới phát hành giáo trình lưu hành nội bộ chung cho học sinh - giáo viên trong trường.

-      Hoàn chỉnh hệ thống đánh giá học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 qua phiếu học tập, phiếu nhận xét.

-      Cung ứng dịch vụ và quản lý cho các bài kiểm tra từ hệ số 2 trở đi và toàn bộ bốn kỳ thi lớn trong năm; cung ứng dịch vụ cho hoạt động dạy phụ đạo, rèn luyện, luyện thi củng cố, bồi dưỡng học sinh giỏi, thi Olympic…

-      Có kế hoạch chủ động thu hút và tuyển chọn giáo viên giỏi từ trong và ngoài thành phố bằng chế độ đãi ngộ hợp lý.

-      Hoàn thiện hệ thống quảng bá qua website của trường, vừa cung cấp những thông tin, hình ảnh về truyền thống và các hoạt động hiện nay của trường, tạo diễn đàn tương tác chính thức cho học sinh, giáo viên lẫn phụ huynh. Đó cũng có thể là cửa ngõ thông tin kịp thời các tình trạng trễ, vắng, khen thưởng, kỷ luật đối với học sinh.

-      Phong trào đoàn thể: Công đoàn cùng tham mưu với Ban giám hiệu trong việc tạo điều kiện cho giáo viên nâng cao trình độ (giáo viên bộ môn, giáo viên chủ nhiệm), có chế độ đối với đối tượng đi học hỏi, tham quan các mô hình giáo dục tiên tiến trong và ngoài nước.

-      Đoàn Thanh niên: tiến tới được tự chủ về tài chính. Trên cơ sở kinh phí được giao, Đoàn phải xây dựng kế hoạch sử dụng hiệu quả nhất nguồn kinh phí đó cho cấp ủy và Ban giám hiệu duyệt.

-      Tổ chức nhiều các câu lạc bộ đội nhóm với nhiều hình thức phong phú, giúp học sinh “học mà chơi”, “chơi mà học”, nhất là buổi hoạt động ngoài giờ để cuốn hút học sinh vào các hoạt động lành mạnh. Có thể tăng cường 1-2 tiết/tuần cho các hoạt động ngoại khóa, phong trào… nhằm giúp học sinh phát triển cân bằng và toàn diện hơn.

-      Chú trọng giáo dục đạo đức cho học sinh: từ giáo dục nề nếp, tác phong, kỷ luật trong nhà trường đến giáo dục ý thức công dân ngoài xã hội qua những hoạt động cụ thể, thiết thực (tổ chức các phiên tòa giả định, thăm trại giáo dưỡng, nhận chăm sóc một đối tượng cụ thể, công việc cụ thể…), từ đó giúp học sinh biết cách xử lý tình huống một cách thông minh, nhạy bén, hợp tình hợp lý, biết cách ứng xử trong giao tiếp với gia đình, bạn bè, nhà trường, xã hội…, kiên quyết nói không với bạo lực học đường…, hoàn thiện quá trình phát triển nhân cách.

-      Đề cao việc giữ gìn bản sắc văn hóa, lòng tự hào dân tộc trong các hoạt động học tập, ngoại khóa, sinh hoạt tập thể tại trường, gieo vào lòng học sinh ý thức yêu nước, có thể hòa nhập vào các môi trường giáo dục lớn trên thế giới nhưng vẫn giữ được bản sắc Việt Nam.

V.     Về mặt tài chính:

-      Nhà trường thực hiện đúng, đủ hệ thống văn bản quy định về tài chính và lưu trữ hồ sơ, chứng từ theo quy định. Việc thực hiện công khai, minh bạch tài chính, tài sản và các chế độ chính sách mới niêm yết ở bảng thông báo để cán bộ quản lý, giáo viên, nhân viên biết và tham gia giám sát, kiểm tra, định kỳ thực hiện công tác tự kiểm tra tài chính.

-      Ngày càng hoàn thiện và nâng cao chất lượng quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn thu góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động sự nghiệp, nâng cao giá trị vật chất và tinh thần cho đội ngũ giáo viên – nhân viên nhà trường.

-      Cần có sự chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể từ Ủy ban Nhân dân Thành phố, Sở Giáo dục và Đào tạo TP và được sự đồng thuận, nhất trí cao từ phụ huynh học sinh có con đang và sắp theo học tại trường để đạt được mục tiêu là trường tự chủ về tài chính.

-      Xây dựng mức thu phù hợp để bù đắp chi phí cho con người, chi phí hoạt động, ngoài ra vẫn phải đảm bảo cơ sở vật chất hiện đại đáp ứng là trường tiên tiến hội nhập quốc tế tiến tới trở thành trường học thông minh.

-      Huy động nguồn lực xã hội hóa từ phụ huynh học sinh, cựu học sinh, các tổ chức xã hội hỗ trợ nhà trường.


 PHẦN THỨ NĂM 

                                                       ĐỀ XUẤT TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Cơ cấu tổ chức:

-      Thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Kế hoạch chiến lược gồm: Bí thư chi bộ, Hiệu trưởng, Phó hiệu trưởng, Chủ tịch công đoàn, Thư ký hội đồng, Bí thư Đoàn trường, Bí thư chi đoàn giáo viên, Tổ trưởng chuyên môn;

-      Ban chỉ đạo chịu trách nhiệm chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường theo chức năng, nhiệm vụ được phân công;

-      Ban chỉ đạo có trách nhiệm điều chỉnh Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường sau từng giai đoạn triển khai thực hiện để sát với tình hình thực tế của nhà trường;

-      Triển khai Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường rộng rãi đến toàn thể cán bộ, giáo viên, nhân viênSở GDĐT, phụ huynh học sinh, học sinh và các tổ chức cá nhân có liên quan đến nhà trường.

-      Tổ chức kiểm tra, đánh giá kết quả, sơ kết công tác triển khai thực hiện từng năm học, từng giai đoạn, rút ra bài học kinh nghiệm, để từ đó điều chỉnh Kế hoạch chiến lược phát triển nhà trường cho thật phù hợp với tình hình thực tế của nhà trường.

2. Chỉ đạo thực hiện:

-      Đối với Hiệu trưởng: Tổ chức triển khai thực hiện kế hoạch chiến lược tới từng cán bộ, giáo viên, CNV nhà trường. Thành lập Ban Kiểm tra và đánh giá thực hiện kế hoạch trong từng năm học.

-      Đối với các Phó Hiệu trưởng: Theo nhiệm vụ được phân công, giúp Hiệu trưởng tổ chức triển khai từng phần việc cụ thể, đồng thời kiểm tra và đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch, đề xuất những giải pháp để thực hiện.

-      Đối với tổ trưởng chuyên môn: Xây dựng kế hoạch hoạt động của tổ chuyên môn, chú trọng các biện pháp để hỗ trợ chuyên môn, nghiệp vụ cho các thành viên trong tổ; đẩy mạnh các hoạt động đổi mới phương pháp giảng dạy, tích cực áp dụng dụng triệt để các phương tiện, thiết bị vào trong giảng dạy, hạn chế dạy chay, ... chỉ đạo kiểm tra, đánh giá, phân loại giáo viên chính xác, không cào bằng để thúc đẩy, nâng cao chất lượng các giờ giảng.

-      Đối với Chủ tịch Công đoàn: Chỉ đạo hoạt động của các tổ Công đoàn, động viên đội ngũ tích cực thực hiện có hiệu quả Kế hoạch; giúp đỡ, hỗ trợ và giải quyết những khó khăn, vướng mắc của đội ngũ trong quá trình thực hiện, xem xét đánh giá thi đua và đề xuất khen thưởng cuối năm, cuối giai đoạn. Chú trọng vào hoạt động “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, “Mỗi thầy cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo”.

-      Đối với Thư ký Hội đồng: Hỗ trợ các phó ban thiết lập hồ sơ theo dõi, sơ kết, tổng kết, đánh giá rút kinh nghiệm, tham mưu, đề xuất các nội dung của kế hoạch. Thông báo các thông tin cần thiết cho hội đồng sư phạm.

-      Đối với trợ lý TN và BCH.Đoàn TNCS.HCM: Xây dựng kế hoạch hoạt động, phối hợp với giáo viên chủ nhiệm, tổ quản lý học sinh, cha mẹ học sinh để rèn luyện, giáo dục kỹ năng sống cho học sinh, phối hợp tổ chức các hội thi khoa học, kỹ thuật; thành lập và duy trì hoạt động các câu lạc bộ đội nhóm, hướng dẫn kỹ năng mềm; tạo nhiều sân chơi bổ ích. Vận động đoàn viên, thanh niên các chi đoàn hưởng ứng tích cực phong trào “Trường học thân thiện, học sinh tích cực”.

-      Đối với Giáo viên chủ nhiệm: Phối hợp chặt chẽ ba môi trường nhà trường – gia đình – xã hội để giáo dục hạnh kiểm cho học sinh; tổ chức và hưởng ứng các phong trào thi đua do cấp trên phát động, tổ chức các hoạt động để giáo dục kỹ năng sống cho học sinh; bám lớp, theo dõi để giúp đỡ, hỗ trợ những học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những học sinh nghèo, vượt khó trong học tập và rèn luyện.

-      Đối với cá nhân cán bộ, giáo viên, CNV: Căn cứ kế hoạch chiến lược, kế hoạch năm học của nhà trường để xây dựng kế hoạch công tác cá nhân theo từng năm học. Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch theo từng học kỳ, năm học. Đề xuất các giải pháp để thực hiện kế hoạch.

3. Tiêu chí đánh giá:

-      Từng bước thiết lập các quy định, quy chế, quy tắc, chính sách nội bộ của nhà trường sao cho phù hợp với điều kiện hoàn cảnh thực tiễn tại trường, tại địa phương và đúng với chủ trương, đường lối, chính sách, quy định hiện hành của của Đảng, Nhà nước và Bộ GD&ĐT, hoàn thiện dần qua từng năm học trong giai đoạn từ 2019 đến 2024. Phấn đấu đến năm 2024 các quy định, quy chế, chính sách nội bộ của nhà trường được hoàn thiện và phù hợp trong giai đoạn tiếp theo.

-      Lộ trình thực hiện kế hoạch chiến lược

+ Giai đoạn 1: Từ năm 2019 – 2021, thực hiện 50% kế hoạch chiến lược, sơ kết 2 năm thực hiện nhiệm vụ chiến lược của trường, bổ sung và điều chỉnh.

+ Giai đoạn 2: Từ năm 2021 – 2023, thực hiện 80% kế hoạch, sơ kết đánh giá 4 năm thực hiện chiến lược, rút ra bài học kinh nghiệm và bổ sung, điều chỉnh cho giai đoạn 3 còn lại.

+ Giai đoạn 3: Từ năm 2023 – 2024, thực hiện 100% kế hoạch, tổng kết, đánhgiá 5 năm thực hiện kế hoạch chiến lược 2019 – 2024.

4. Hệ thống thông tin phản hồi:

-      Cán bộ, giáo viên, công nhân viên, học sinh, phụ huynh học sinh phản ánh trực tiếp hoặc gián tiếp qua thư, hội nghị, các tổ chức.

-      Lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo qua theo dõi hoạt động, chỉ đạo.

-      Cán bộ, nhân dân địa phương qua nhiều kênh thông tin.

-      Cựu học sinh: phản ánh trực tiếp, thư từ hoặc qua Website

5. Phương thức đánh giá sự tiến bộ

-      Căn cứ các chỉ tiêu thực hiện từng năm học, từng giai đoạn.

-      Căn cứ sự đổi mới khi thực hiện các giảỉ pháp chiến lược

-      Lấy ý kiến của tập thể sư phạm, của phụ huynh học sinh, của học sinh 


ĐỀ XUẤT VÀ KIẾN NGHỊ 

Từ những mục tiêu giáo dục theo định hướng tiếp cận và hòa nhập xu hướng giáo dục quốc tế đề ra từ đầu, có thể thấy mô hình giáo dục chất lượng cao của trường THPT Lê Quý Đôn thực hiện đã thu được những kết quả khả quan, tạo dựng được niềm tin từ xã hội và phụ huynh học sinh. Qua những thành tích đó, nhà trường cũng đã kịp thời đề ra phương hướng cụ thể trong thời gian sắp tới, nhằm nhanh chóng đẩy mạnh chất lượng giáo dục, tạo điều kiện tốt nhất cho học sinh trong quá trình học tập và sinh hoạt tại trường.

Vấn đề trăn trở nhất đối với sự nghiệp phát triển mô hình trường công lập chính là nguồn kinh phí. Mức học phí đang áp dụng đã không còn phù hợp nữa, lý do không chỉ vì việc trượt giá trong những năm qua, mà còn là nhà trường luôn mở rộng đầu tư vào nhiều hạng mục, từ cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại đến việc mở các lớp văn hóa (vừa củng cố, vừa bồi dưỡng, nâng cao), lớp năng khiếu,  kỹ năng sống và hàng loạt những chương trình ngoại khóa...Cạnh đó, những hạ tầng cơ sở và thiết bị đầu tư từ những năm đầu thực hiện mô hình đến nay đều đến thời hạn cần nâng cấp hoặc đầu tư mới hoàn toàn.

Do phải chuyển đổi phương pháp giảng dạy và đáp ứng nhiều mục tiêu giáo dục chất lượng cao, cán bộ - giáo viên - công nhân viên nhà trường luôn phải đầu tư rất nhiều vào công việc. Không kể thời gian, tâm huyết, giáo viên còn phải học tập những công nghệ mới, nghiên cứu tài liệu, thay đổi giáo án và chịu một phần chi phí tham quan, học tập ở những môi trường giáo dục hiện đại trên thế giới.

Song song đó, phụ huynh học sinh của trường luôn có nhu cầu cho con em tiếp cận những công nghệ mới, những thành tựu khoa học kỹ thuật mới, được trang bị thêm nhiều kỹ năng sống thiết thực, được tham quan, trải nghiệm nhiều hơn không chỉ trong nước mà còn ở những quốc gia tiên tiến khác. Điều này đặt nhà trường trong áp lực luôn phải phấn đấu hoàn thiện mình, để có thể làm tốt định hướng của mô hình là phát triển học sinh toàn diện theo hướng giáo dục chất lượng cao và giữ được bản sắc văn hóa Việt Nam. Nếu nhà trường chậm chân trên con đường phát triển mô hình, phụ huynh học sinh có thể sẵn lòng cho con em học tập ở những dịch vụ giáo dục hiện đại hơn do các cơ sở giáo dục nước ngoài tổ chức. Như thế, học sinh chúng ta sẽ khó có thể giữ được bản sắc văn hóa và tâm hồn người Việt, đồng thời, phụ huynh cũng phải chịu mức học phí cao hơn rất nhiều lần. Đây sẽ là một thiệt thòi lớn không chỉ với thế hệ học sinh tương lai, với các bậc phụ huynh, mà còn là một bước lùi không đáng có đối với ngành giáo dục của thành phố trong tiến trình phát triển giáo dục, nhân rộng mô hình sang các quận huyện, tỉnh thành khác.

Từ tình hình thực tế trên, điều mong mỏi lớn nhất của trường THPT Lê Quý Đôn hiện nay là làm sao có thể tăng nguồn thu từ học phí để có thể mạnh dạn đầu tư tốt hơn cho sự nghiệp trồng người, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục theo đúng định hướng trường công lập tiên tiến theo xu thế hội nhập quốc tế, thực hiện xã hội hóa giáo dục, dùng học phí để nâng cao dịch vụ, chất lượng giáo dục, nhằm đào tạo thế hệ học sinh phát triển toàn diện, thỏa mãn mong mỏi của phụ huynh và xã hội, từng bước khẳng định vị thế của nền giáo dục Việt Nam trong khu vực, tiến tới hội nhập quốc tế. 

                                                                                HIỆU TRƯỞNG 

 

 

                                                                                  Hà Hữu Thạch